10 công dụng thiết thực và kinh ngạc của camera nhiệt

Một công ty có tên gọi FLIR tuyên bố đã cho ra đời chiếc smartphone tích hợp camera chụp ảnh nhiệt (thường gọi là camera nhiệt) đầu tiên trên thế giới. Mặc dù, động thái này được đánh giá chỉ là một chiêu quảng cáo trong bán hàng, nhưng công nghệ chụp ảnh nhiệt thực tế có rất nhiều ứng dụng thiết thực và thú vị cho con người.

Các camera nhiệt – máy chụp ảnh nhiệt chụp được ánh sáng hồng ngoại, thứ chúng ta thường cảm nhận như hơi ấm trên da nhưng mắt người không thể nhìn thấy được. Chúng có thể chụp được các bức ảnh nhiệt như trên.

Thiết thực hơn, bạn có thể sử dụng camera nhiệt để tiết kiệm tiền bạc và gìn giữ môi trường. Các nhà thầu xây dựng đã phát hiện và sửa những hệ thống cách nhiệt bị rò rỉ nhờ công nghệ này. Các tòa nhà có thể quan sát để bảo trì, và phòng chống hỏa hoạn.

Nếu bạn là một kỹ sư điện, camera nhiệt có thể giúp hé lộ nơi kết cấu mạch điện đang nóng lên, gây tình trạng truyền tải điện kém hiệu quả và tiềm tàng các trục trặc dẫn đến mất điện.

Các chuyên gia thậm chí đã sử dụng công nghệ chụp ảnh nhiệt để cho thấy khí methane vô hình và nguy hiểm đang bị rò rỉ từ các nguồn dự trữ dưới lòng đất.

Camera nhiệt cũng rất hữu ích với các bác sĩ. Ảnh chụp hồng ngoại có thể hé lộ tình trạng viêm hoặc nghẽn mạch máu, vốn có khả năng gây đau hoăc các vấn đề sức khỏe khác.

Các nhà sinh vật học cũng tìm thấy ở công nghệ chụp ảnh nhiệt một công cụ thiết thực để nghiên cứu thế giới tự nhiên. Chẳng hạn như, loài sói có thể mắc các bệnh khiến chúng bị rụng lông và các nhà nghiên cứu có thể nhìn thấy những mảng da trơ trụi lông của chúng từ xa, ngay cả trong bóng tối nhờ sử dụng camera nhiệt.

Các chuyên gia địa chất cũng sử dụng công nghệ chụp ảnh nhiệt để nghiên cứu về những núi lửa đang hoạt động và phát hiện các núi lửa đang “ngủ đông”, nhưng sắp sửa trỗi dậy, phun trào.

Các kỹ sư hàng không vũ trụ dùng camera nhiệt để chế tạo tàu vũ trụ có khả năng tái quay trở lại bầu khí quyển Trái đất một cách an toàn với vận tốc đáng kinh ngạc.

Công nghệ chụp ảnh nhiệt cũng giúp xuyên qua các lớp mây dày ở những hành tinh xa xôi. Chẳng hạn như, các nhà thiên văn học sử dụng nó để tìm kiếm một luồng nước hình lục giác kỳ lạ ẩn giấu ở cực bắc của sao Thổ.

 Các nhà khí tượng học sử dụng vệ tinh hồng ngoại để đo nhiệt độ, chiều cao của mây và nhiều yếu tố biến thiên khác nhằm cải thiện những dự báo về thời tiết.

Các chuyên gia về khí hậu cũng sử dụng những vệ tinh tương tự để theo dõi lượng carbon dioxide cũng như những khí gây hiệu ứng nhà kính và sự biến đổi khí hậu toàn cầu khác.

Sưu tầm (Theo Tech Insider và Việt Nam Net).